Thứ 7, Ngày 04/05/2024 -

TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN  ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2019) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Ngày đăng: 15/04/2024  14:36 Lượt xem: 475
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 07/03/2024, Bộ Nội vụ có văn bản số 1191/BNV-CQĐP đề nghị các các Bộ, ngành trung ương, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực hiện nhiệm vụ được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao tại văn bản số 1846/VP-NC ngày 19/3/2024, Sở Nội vụ đã chủ trì đề nghị các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum thực hiện tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Kết quả qua 09 năm thực hiện, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để chính quyền ở địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đảm bảo việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm gắn kết thống nhất giữa Hội đồng nhân dânUỷ ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng thời đảm bảo sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành các Nghị quyết sát với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp của Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của luật, đảm bảo về thời gian, nội dung chất lượng kỳ họp. Hàng năm, xây dựng chương trình giám sát và thực hiện tốt chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của địa phương. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và tham gia tiếp xúc cử tri theo quy định.

Ủy ban nhân dân các cấp đã chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cụ thể như sau:

(1) Tại khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019) quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có thể ủy quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, nhưng tại khoản 7 Điều 22 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh lại chỉ quy định được ủy quyền cho Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mà không có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Điều này dẫn đến vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

(2)  Tại khoản 6 Điều 83 Luật chính quyền địa phương quy định kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện phải được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Tại Điều 20 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, hiện nay Luật chính quyền địa phương không quy định Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp có chức năng, nhiệm vụ xử lý kỷ luật. Điều này dẫn đến vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện xử lý kỷ luật đối với các chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

(3) Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định thẩm quyền của cơ quan, cá nhân cấp trên bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan, cá nhân cấp dưới mà chưa quy định cụ thể về quyền tự bãi bỏ văn bản trái pháp luật do mình ban hành. Tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật  năm 2020 có quy định văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Thực tiễn cho thấy, nhiều văn bản do cơ quan, cá nhân ban hành trái pháp luật, quá trình tự kiểm tra họ tự phát hiện văn bản do mình ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định việc xử lý trong trường hợp này. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều địa phương còn lúng túng và cứng nhắc trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tỉnh Kon Tum đề xuất một số nội dung cần hoàn thiện trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như sau:

(1) Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương đến từng cấp chính quyền địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý với các hoạt động của chính quyền địa phương; gắn lợi ích và sự tham gia của người dân với các hoạt động của chính quyền địa phương; đa dạng về mô hình tổ chức và tinh gọn về bộ máy của các cấp chính quyền địa phương, thúc đẩy sự phân công lao động hợp lý và tinh giản biên chế giữa các cấp chính quyền địa phương; có sự khác biệt rõ rệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. 

(2) Công khai, minh bạch hoạt động chính quyền địa phương từ ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, hoạt động giám sát, chất vấn của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, hoạt động của Uỷ ban nhân dân. Cần hoàn thiện nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể Uỷ ban nhân dân theo hướng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của từng thành viên Uỷ ban nhân dân, trong đó ủy viên Uỷ ban nhân dân là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân được quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân với tư cách là thành viên Uỷ ban nhân dân để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của chức danh này hiện nay.

(3) Sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung còn vướng mắc trong Luật tổ chức chính quyền địa phương như đã nêu ở trên. Đồng thời ban hành quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với đại biểu, Tổ đại biểu, Ban Hội đồng nhân dân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để làm căn cứ thực hiện, như vậy trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được nâng lên./.

Bùi Thị Hoa
Tin video
Thống kê truy cập
Hiện đang có 111 người đang online Tổng 47.339.497 lượt truy cập